Ngành nghề đăng ký kinh doanh

1. Ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi và mã hóa theo ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh.


Nội dung cụ thể của các phân ngành trong ngành kinh tế cấp bốn được thực hiện theo Quy định về nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.
Việc mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê.

Căn cứ vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2. Ngành, nghề kinh doanh phải có chứng chỉ hành nghề, điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề tương ứng và việc sử dụng chứng chỉ hành nghề trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

3. Đối với những ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

4. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để xem xét bổ sung mã mới.

5. Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam nhưng được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được ghi theo ngành, nghề quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật đó.

6. Ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được quy định tại các Luật của Quốc hội, Pháp lệnh của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Nghiêm cấm việc ban hành và quy định không đúng thẩm quyền về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề kinh doanh có điều kiện kể từ khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật. Việc quản lý nhà nước đối với ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và kiểm tra việc chấp hành điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên ngành theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Bài đăng phổ biến